Giới thiệu tác giả: Fyodor Dostoevsky

Dostoyevsky sinh ra vào năm 1812 và lớn lên tại vùng ngoại ô Moscow. Ông sống trong một gia đình khá giả – cha ông là một bác sỹ giỏi, mặc dù ông làm việc tại một bệnh viện từ thiện, chữa trị cho những người nghèo khó. Cả gia đình sống trong một căn nhà nằm trong quần thể bệnh viện. Vì vậy, ngay từ nhỏ Dostoevsky đã có những trải nghiệm khác xa với bạn bè trang lứa. Giống như phần lớn những người sống trong nước Nga Sa Hoàng thời đó (Tsarist Russia), bố mẹ ông theo đạo Chính Thống (Orthodox Christians) và niềm tin tín ngưỡng của Dostoyevsky càng trở nên sâu nặng và mạnh mẽ hơn trong suốt cuộc đời của ông.


Chân dung Dostoevsky

Năm 12 tuổi, Dostoevksy được theo học tại một trường ở Moscow, sau đó được gửi tới học tại thủ đô St Petersburg – ông được học trong môi trường giáo dục tốt, mặc dù là con của một gia đình trung lưu, ông cảm thấy không thoải mái khi học chung cùng những người bạn lớn lên trong gia đình quý tộc. Trong lúc ông đang theo học, cha ông qua đời – có thể ông đã bị chính người nông nô của mình sát hại.

Sau khi tốt nghiệp, Dostoevsky trở thành một kỹ sư trong một thời gian. Ông bắt đầu đánh bạc và mất nhiều tiền bạc (suốt đời, Dostoevsky gặp phải các vấn đề tài chính). Khi gần 30 tuổi, ông làm bạn với một nhóm tri thức và nhà văn với quan điểm cấp tiến. Mặc dù ông không tham gia nhiều vào các hội nhóm, khi chính quyền Nga quyết định xử lý những người có quan điểm phản động, Dostevsky cũng bị bắt và bị kết án tử hình. Vào phút cuối cùng – khi những người lính đã sẵn sàng chuẩn bị hành án – ông nhận được lệnh ân xá. Dostoevsky bị gửi tới Siberia trong bốn năm và bị bắt ép lao động trong tình trạng cực khổ.

Sau khi trở về từ Siberia, Dostoevsky mới thực sự trở thành một nhà văn. Khi bước sang tuổi trung niên, ông viết ra hàng loạt những tiểu thuyết lớn:

1864 – Bút Ký Dưới Hầm (Notes from Underground)

1866 – Tội Ác và Trừng Phạt (Crime and Punishment)

1869 – Gã Khờ (The Idiot)

1872 – Lũ Người Qủy Ám (Demons)

1880 – Anh Em Nhà Karamazov (Brothers Karamazov)

Tiểu thuyết của Dostoevsky thường mang âm hưởng u ám, với nhiều đoạn văn hung bạo, đậm chất bi thảm – chúng thường rất dài và phức tạp. Dostoevsky sáng tác với hy vọng truyền tải năm bài học quan trọng cho thế giới.

(Bài viết này sẽ để lộ nhiều tình tiết trong các tác phẩm của Dostoevsky. Điều này không quan trọng với Dostoevsky vì tiểu thuyết của ông được viết để độc giả có thể đọc lại nhiều lần. Nhưng nếu bạn quan ngại điều này, bạn có thể dừng đọc bài viết này tại đây.)

  1. Ý nghĩa của nỗi thống khổ

Cuốn sách lớn đầu tiên của ông, Bút Kí Dưới Hầm, là một bài diễn văn dài phản đối lại cuộc sống và thế giới viết dưới giọng văn của một công chức đã nghỉ hưu.  Anh ta rất phi lý, mâu thuẫn và luôn giận dữ với người khác, kể cả với chính bản thân anh ta. Đặc biệt, anh thường gây xung đột với người khác: trong một buổi gặp mặt với những đồng nghiệp cũ, anh ta thẳng thắn nói với họ rằng anh ta căm ghét họ; anh ta muốn dập tan những ảo tưởng của người khác và khiến họ bất hạnh như chính bản thân mình. Dường như người đàn ông này là một nhân vật kỳ cục để xây dựng một cuốn sách về anh ta. Nhưng anh ta đang thực hiện một việc quan trọng. Anh chắc chắn khẳng định một cách mạnh mẽ một đặc điểm kỳ lạ về cuộc sống con người: chúng ta muốn được hạnh phúc nhưng cũng có khả năng đặc biệt khiến bản thân trở nên khốn khổ. Dostoevsky viết, “Con người là đôi khi đam mê nỗi thống khổ: đó là một sự thật.”

“Con người là đôi khi đam mê nỗi thống khổ: đó là một sự thật” (Dostoevsky)

Trong tiểu thuyết của mình, Dostoevsky muốn chỉ trích những triết lý về sự tiến bộ và phát triển đang rất phổ biến trong thời đại của ông (và ngay cả trong thời hiện đại). Ông phản đối thói quen của con người với lối suy nghĩ rằng chỉ cần điều này hoặc điều kia thay đổi, chúng ta sẽ phải không phải chịu những đau khổ nữa. Nếu chúng ta có được một công việc hoàn hảo, thay đổi bộ máy nhà nước, có thể mua một ngồi nhà rộng rãi, sáng chế ra một cỗ máy giúp con người bay vòng quanh thế giới nhanh hơn, và nếu được cưới (hoặc li dị) một ai đó, mọi thứ sẽ đều ổn thoải. Dostevsky cho rằng đây chỉ là những lời lừa bịp bản thân. Con người sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi những khổ đau. Mọi kế hoạch thay đổi thế giới đều có những lỗ hổng: chúng không xóa bỏ được nỗi đau khổ mà chỉ thay đổi được những thứ gây nên những nỗi đau cho con người. Cuộc sống chỉ là một quá trình của những đau khổ khác nhau và không bao giờ có thể loại bỏ chúng. Sẽ luôn có một thứ khiến chúng ta đau đớn. Hãy giúp con người thoát khỏi nạn đói, bạn sẽ thấy họ sẽ gặp phải nỗi thống khổ mới: họ sẽ cảm thấy họ đang phải chịu đựng nỗi nhàm chán, lòng than hay cảm giác rầu rĩ vì không được mời đến một bữa ăn với những người ngang hàng – Dostoevsky cho hay.

… Cuộc sống chỉ là một quá trình của những đau khổ khác nhau và không bao giờ có thể loại bỏ chúng. Sẽ luôn có một thứ khiến chúng ta đau đớn…

Trên tinh thần này, Bút Ký Dưới Hầm là một lời phê bình những triết lý về tiến bộ xã hội, kỹ thuật đang cố gắng giúp con người thoát khỏi nỗi thống khổ. Chúng sẽ không thành công bởi ngay sau khi giúp con người giải quyết một vấn đề, chúng sẽ khiến bản thân ta bất hạnh theo một cách khác. Dostoevsky đặc biệt quan tâm tới việc con người luôn bí mật không muốn những gì họ cố gắng đạt được trên lý thuyết: ông viết về niềm vui mà nhiều người trải qua từ việc họ hơn người khác (và đối với những người này, một xã hội công bằng sẽ là một ác mông); hoặc cảm giác hồi hộp rất thật nhưng chúng ta muốn chối bỏ khi nghe tin về những tôi ác hung bạo – chính điều này cản trở con người đến một thế giới hòa bình. Bút Kí Dưới Hầm là một cuốn tiểu thuyết u ám, nhưng lại ẩn chứa những thông điệp sâu sắc khác lạ, phản bác lại cả những người thiện chí theo chủ nghĩa tự do hiện đại.

Điều này không có nghĩa cải cách xã hội đều vô nghĩa. Nhưng Dostoevsky nhắc nhở mỗi con người mang trong mình một cái tôi phức tạp, mâu thuẫn và bởi vậy mọi tiến bộ sẽ đều không rõ ràng, minh bạch như chúng ta tưởng tượng.

  1. Con người không hề biết rõ chính mình

Trong Tội Ác và Trừng Phạt, chúng ta gặp một tri thức nghèo khó, Rodion Raskolnikov. Mặc dù anh ta dường như không có vị thế xã hội, Raskolnikov bị ám ảnh bởi quyền lực và sự tàn nhẫn. Anh ta coi bản thân là một phiên bản khác của Napoleon: “những người thống trị con người, như Napoleon, đều là những kẻ tội phạm, họ vi phạm những luật lệ của con người đã có từ lâu để tạo ra một thứ luật mới phù hợp với bản thân, và họ không bao giờ sợ hãi trước sự đổ máu.”

Raskolnikov cũng đang rất cần tiền, vì với triết lý về khả năng xuất chúng của mình trong tâm trí, anh ta quyết định sát hại một bà lão là chủ tiệm cầm đồ, và người cho vay tiền để cướp của cải của bà ta. Anh ta bị giày vò bởi sự bất công rằng một bà lão keo kiệt, đáng ghét lại có rất nhiều tiền, trong khi anh ta – một người thông minh, đầy nghị lực, và am hiểu – lại đang chết đói. (Anh ta không phí thời gian nghĩ đến những giải pháp khác như trở thành một bồi bàn.) Anh ta vào căn nhà của bà lão và đâm bà ta bằng chiếc dùi cui. Khi bị bắt quả tang bởi em gái của lão đang mang bầu – Raskolnikov cũng sát hại cả cô ta.

Nhưng Raskolnikov không giống như một anh hùng lý trí, máu lạnh như anh tưởng tượng. Anh bị giày vò bởi tội ác đã làm. Và cuối cùng, anh ta đi đầu thú trước cảnh sát để nhận hình phát thích đáng cho tội ác của mình.

Chúng ta (chắc hẳn) sẽ không bao giờ làm một việc giống như Raskolnikov đã thực hiện. Nhưng chúng ta, cũng giống anh ta, có xu hướng nghĩ rằng ta hiểu bản thân mình hơn thực tế. Raskolnikov cho rằng anh ta có thể tàn nhẫn, những thực chất anh là một người hiền lành. Anh ta nghĩ rằng anh sẽ không cảm thấy có lỗi, nhưng sau cùng anh ta vẫn cảm thấy hối hận

…Nhưng chúng ta, cũng giống anh ta, có xu hướng nghĩ rằng ta hiểu bản thân mình hơn thực tế…

Một phần cuộc hành trình cuộc đời của mỗi người bao gồm việc nhận ra bạn không giống như những gì bạn nghĩ, từ đó, bạn có thể khám phá bản chất thật của chính mình. Raskolnikov là một nhân vật ấn tượng bởi chặng đường khám phá bản thân của anh ta đi theo một chiều hướng đặc biệt. Raskolnikov nhận ra anh ta là một người tốt bụng hơn anh ta từng nghĩ.

Trong khi các tác giả khác thường cho thấy sự thật xấu xí đằng sau vẻ bề ngoài đẹp đẽ, Dostoevsky, ngược lại, muốn đạt hoàn thành một sứ mệnh kì lạ nhưng cũng đáng giá hơn: ông muốn bộc lộ phía dưới một nhân vật có vẻ như độc ác, lại ẩn chứa một nhân cách tốt bụng – một người tốt nhưng lại tự dối mình, thông minh nhưng cũng hoảng sợ, hoang mang.

  1. Những người tốt có thể làm những điều xấu xa

Tiếp tục với tiểu thuyết Tội Ác và Trừng Phạt, cách Dostoevsky khiến người đọc có cảm tình với một anh hùng đã giết người rất đặc biệt. Raskolnikov được miêu tả là một người rất đáng mến. Ngay từ đầu câu truyện, Dostoevksy viết:

“Bên cạnh đó, Raskolnikov có diện mạo đẹp trai, với chiều cao hơn mức trung bình, thân hình thanh mảnh nhưng vạm vỡ, cùng đôi mắt đen và mái tóc nâu đen.”

Dostoevsky đang thu hẹp khoảng cách tưởng tượng giữa “chúng ta” – những người đọc sống trong một xã hội tuân thủ pháp luật với khả năng quản lý cuộc sống và “họ” – những người phạm những tội ác và hủy hoại cuộc sống của chính họ và những người khác. Người đó cũng giống như bạn hơn những gì bạn nghĩ ban đầu. Chính vì vậy Dostoevsky giúp người đọc dễ dàng cảm thông với câu truyện của nhân vật.

Việc bạn là người tốt, nhưng làm điều xấu và vẫn xứng đáng được nhận lòng thương của người khác nghe hiển nhiên. Nhưng chính bạn cũng cần sự tha thứ này trong cuộc sống (có thể bạn phải ngoài 30 tuổi để cảm nhận điều đó). Đấy là chính là nơi Dostoevsky bắt đầu tham gia cuộc đối thoại của bạn với chính bản thân mình – và miêu tả chi tiết về nhân vật Raskolnikov – một chàng trai đứng đắn, sâu sắc và phúc hậu tuy phạm phải tội ác chúng ta chưa mắc phải những vẫn có thể được cảm thông giống như mỗi chúng ta. Đây chính là một đặc điểm của Thiên Chúa Giáo trong văn học Dostoevsky: không ai nằm ngoài tình thương và sự cảm thông của Chúa.

  1. Chúng ta cần học cách nhận thức những vẻ đẹp của cuộc sống

Cuốn tiểu thuyết lớn tiếp theo của Dostevsky, Gã Khờ, được lấy cảm hứng từ trải nhiệm cần kề cái chết trước khi bị từ hình của chính nhà văn. Trong cuốn sách, ông kể lại cảm giác đó: ba phút trước khi bị có lệnh bắn, lần đầu tiên ông mới có thể cảm nhận cuộc sống một cách rõ nét. Ông nhìn thấy chóp hình nón mạ vàng của nhà thờ gần đó đang sáng lấp lánh trong ánh mặt trời. Ông chưa từng nhận ra vẻ đẹp của ánh nắng mặt trời. Bỗng dừng Dostoevksy cảm nhận được một tình yêu sâu sắc với thế giới. Bạn có thể bắt gặp một người ăn xin và mong giá như bạn có thể là họ để vẫn được hít thở không khí và cảm nhận được gió thổi qua mình – trong phút giây cuối cùng, chỉ mình việc được tồn tại trở nên quý giá vô hạn. Và sau đó lệnh ân xá tới, và cuộc sống của ông vẫn chưa kết thúc.

Điều gì sẽ xảy ra nếu cả cuộc đời, bạn sống trong trạng thái biết ơn và rộng lượng như vậy? Bạn sẽ có một thái độ không giống người khác. Bạn sẽ yêu mến mọi người như nhau, và cảm nhận vẻ đẹp của những điều đơn giản nhất, và bạn cũng không hề thấy tức giận hay lo sợ. Đối với người khác, bạn giống như một kẻ khờ dại. Và đó là nguồn cảm hứng cho tên của cuốn sách.

Chúng ta luôn được sống xung quanh những ta vui sướng, giá như chúng ta có thể nhìn cuộc sống theo cách đó, và giá như chúng ta có thể cảm thấy trân trọng cuộc sống. Dostoevsky cố gắng truyền đạt giá trị của cuộc sống trước khi cái chết cướp đi mạng sống của ông, và của cả chúng ta.  

… Bạn sẽ yêu mến mọi người như nhau, và cảm nhận vẻ đẹp của những điều đơn giản nhất, và bạn cũng không hề thấy tức giận hay lo sợ …

5. Sự lý tưởng có hạn chế của nó: 

Quyển sách vĩ đại tiếp theo của Dostoevsky, Anh Em Nhà Karamazov, được xuất bản khi ông đã gần sáu mươi tuổi – cũng là một trong những nhân vật then chốt mà kể câu chuyện (nằm trong một câu chuyện). Câu chuyện đó mang tên Trưởng thẩm giáo (The Grand Inquisitor), câu chuyện hư cấu về sự kiện lớn nhất được đón chờ bởi những con chiên theo Đạo Thiên Chúa Giáo – sự trở lại lần thứ hai của Chúa – thực tế đã xảy ra. Chúa Jesus có quay trở lại trăm năm trước, và xuất hiện ở Tây Ban Nha, trong những ngày đạo Công giáo mạnh mẽ nhất – được tổ chức hoàn toàn hiến dâng cho Chúa, về lý thuyết mà nói. Chúa đã quay trở lại hoàn thành những bài giảng của ngài về sự tha thứ và tình yêu vạn vật. Nhưng điều kì lạ đã xảy ra. Người lãnh đạo tôn giáo quyền lực nhất – Trưởng thẩm giáo – đã bắt giữ và nhốt tù Ngài.

Vào nửa đêm, Trưởng thẩm giáo thăm chúa Jesus trong tù và giải thích lí do ông không thể để Ngài làm việc của mình trên cõi đất này, bởi Ngài chính là mối đe doạ cho sự bền vững của xã hội.

Chúa, ông nói, Ngài có quá nhiều khát vọng – quá đức hạnh, quá hoàn hảo. Nhân loại không thể sống và đạt được những mục tiêu bất khả thi mà Ngài đặt ra. Sự thật là, con người đã không thể sống theo những điều Ngài răn dạy, và Chúa Jesus nên thừa nhận rằng mình đã thất bại, rằng tư tưởng của Ngài về sự chuộc tội của loài người (redemption) về căn bản là sự lừa dối.

Trưởng thẩm gíao không thực sự là một con quỷ. Trên thực tế, Dostoevsky phác hoạ ông như là một nhân vật được ca tụng trong suốt câu chuyện. Nhân vật dẫn dắt một ý tưởng quan trọng của Dostoevsky, rằng bản thân con người không thể sống trong sự đức hạnh, không bao giờ có thể tốt thực sự, càng không thể sống như điều Chúa răn dạy – và đó là điều chúng ta nên hoà giải với chính bản thân mình với sự trân trọng, không phải là tức giận hay căm thù chính mình.

… và đó là điều chúng ta nên hoà giải với chính bản thân mình với sự trân trọng, không phải là tức giận hay căm thù chính mình…

Chúng ta phải chấp nhận sự vô lý, sự ngu ngốc, tham lam, ích kỷ, và thiển cận như là một phần chiếm vị trí lớn trong các điều kiện của con người, từ đó tạo kế hoạch. Và đây không phải là một mệnh đề tiêu cực về chính trị hay tôn giáo, mà sự xác đáng căn bản của mệnh đề này là lời bình luận về cuộc sống chúng ta: nếu chúng ta không sắp xếp cuộc đời mình, chúng ta sẽ không tôi ương bướng và phát điên. Và chúng ta không nên đau khổ với chính mình về giấc mơ mà ta có thể đã vươn tới – nếu ta cố hơn nữa – trở thành một cá thể lý tưởng mà những triết học lý tưởng như Thiên Chúa Giáo khắc hoạ nó.

Dostoevsky mất năm 1881. Ông đã sống một đời vất vả, nhưng ông đã thành công trong việc truyền tải một quan niệm mà dường như ông hiểu rõ hơn ai hết: rằng trong một thế giới mà những câu chuyện lạc quan luôn được săn đón, chúng ta sẽ luôn gặp khó khăn với hạn chế của chính mình – không hoàn thiện và đần độn. Thái độ của Dostoevsky – trống trải nhưng đầy nhiệt huyết, bi thương nhưng ân cần – là điều mà bản chất của ta, ở cái thời đại đã quá uỷ mị vào một quan niệm – mà ông ghét – rằng khoa học có thể cứu rỗi chúng ta và chúng ta có thể trở nên hoàn hảo nhờ nó. Dostoevsky đưa chúng ta đến một sự thật nhân đạo hơn: rằng, như mọi cá nhân vĩ đại đã biết – cuộc đời là luôn luôn đau khổ, và sự chuộc lỗi chính là truyền tải lời nhắn nhủ này qua những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại.

Nguồn: Book of Life

 

 

Bình luận về bài viết này